Cần hướng dẫn học sinh biết chọn lọc thông tin khi sử dụng mạng xã hội

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

GD&TĐ – Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh thông báo kết luận và chỉ đạo của Giám đốc Sở GD&ĐT tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo Sở GD&ĐT với học sinh thành phố, chủ đề “Học sinh thành phố với văn hóa ứng xử học đường” năm 2017.

Trong kết luận này, Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị giáo dục tiếp tục đẩy mạnh tổ chức gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo đơn vị với đại diện học sinh, ít nhất 1 lần/năm học; bên cạnh đó, sử dụng thêm nhiều kênh, nhiều hình thức khác nhau nhằm lắng nghe nhiều hơn ý kiến của học sinh. Tất cả các ý kiến của học sinh trong buổi góp ý đều phải được ghi nhận và chỉ đạo tìm hiểu, giải quyết một cách thấu đáo, triệt để.

Về công tác nâng cao văn hóa ứng xử học đường, Giám đốc Sở yêu cầu các đơn vị nghiên cứu và tổ chức các buổi chuyên đề về tập huấn cách thức sử dụng mạng xã hội và hướng dẫn học sinh biết cách chọn lọc thông tin khi sử dụng các trang mạng xã hội.

Giáo viên cần nắm bắt, ngăn chặn kịp thời những hành vi sử dụng mạng xã hội chưa tốt của học sinh, đồng thời hướng dẫn học sinh chia sẻ thông tin tích cực, phản bác những thông tin tiêu cực, tăng cường khả năng tự chắt lọc thông tin của học sinh.

Lãnh đạo các nhà trường phối hợp trung tâm học tập cộng đồng địa phương, các tổ chức đoàn thể địa phương tăng cường tổ chức các buổi chuyên đề giáo dục giới tính, khả năng tư vấn tâm lý, lối sống văn minh, ứng xử văn hóa … cho phụ huynh học sinh.

Thủ trưởng các đơn vị tăng cường các hoạt động hình thành văn hóa đọc cho học sinh thông qua các câu lạc bộ học thuật thông qua việc hướng dẫn, định hướng và giao bài tập, đọc sách, đọc truyện… của giáo viên bộ môn.

Phòng Chính trị, tư tưởng; Giáo dục Trung học; Giáo dục thường xuyên tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát công tác chỉ đạo các nhà trường trong việc dành thời gian tổ chức các hoạt động ngoại khóa, bổ trợ cho học sinh như: âm nhạc, thể thao, múa dân gian, các câu lạc bộ, khoa học kỹ thuật…

Thủ trưởng các đơn vị, căn cứ tình hình thực tế, chủ động hợp đồng chuyên gia tư vấn nhằm thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh; nâng cao chất lượng tư vấn trường học, trong đó, giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò là một giáo viên tư vấn hỗ trợ học sinh khi có nhu cầu.

Lập Phương