Với vốn kiến thức sơ giản của một giáo viên cơ bản về tin học, cô Lê Thị Thanh Huyền, GV Trường Tiểu học Thụy Lâm (Đông Anh- Hà Nội) chia sẻ những vận dụng cộng nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy vào môn Địa lí với các đồng nghiệp, hi vọng có thể cùng các bạn đồng nghiệp trao đổi để giúp cho giờ học thêm sinh động.
Bên cạnh việc sử dụng Powpoint để thiết kế bài giảng như chúng ta đã biết thì để dạy học Địa lí, cô đã vận dụng một số ứng dụng sau để phục vụ việc giảng dạy của mình.
1. Sử dụng phần mềm làm phim Viva video (trên điện thoại) và sử dụng bản dùng thử của Proshow Producer để tạo phim theo ý tưởng người dạy.
Khi muốn đem đến cho học sinh những thước phim ngắn hoàn toàn theo ý tưởng của mình chúng ta có thể sử dụng hai phần mềm này để tạo phim. Bạn có thể tự thu âm lời bình và kết hợp với những hình ảnh bạn có được hoặc những đoạn video ngắn để tạo thành phim theo mong muốn.
Những đoạn phim ấy, có thể sử dụng để giới thiệu vào bài tạo hứng thú tò mò cho học sinh, cũng có thể để chốt lại nội dung của một hoạt động nào đó trong giờ học, cũng có thể để kết thúc bài học vừa dạy với mục đích cô đọng lại kiến thức cho học sinh một cách nhẹ nhàng. Nếu có chút cảm nhận về âm nhạc, bạn có thể dùng loa, đọc lời bình trên nền âm thanh có sẵn để tạo sinh động cho lời thuyết minh.
2. Dùng trình cắt phim trực tuyến hoặc các phần mềm cắt phim để tạo những đoạn phim ngắn từ những đoạn phim hoặc vi deo có sẵn.
Nhiều khi trong quá trình giảng dạy, bạn có những tư liệu sẵn có nhưng nó quá dài để đem vào tiết dạy. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng dùng “trình cắt phim trực tuyến” hoặc một số phầm mềm như Video Convert, Free Video Cutter… để xén bớt chúng. Việc cắt xén này sẽ giúp bạn dễ dàng đem những tư liệu vào giảng dạy cho phù hợp.
Các phần mềm này, hầu hết đều có thể tự tải xuống từ internet. Còn trình cắt trực tuyến thì chỉ cần bạn gõ “trình cắt phim trực tuyến” là có thể sử dụng trực tuyến và có sản phẩm tải về máy tính của mình.
3. Dùng phần mềm Plezi để dạy Địa lí
Thực tế đây là một phần mềm để chúng ta tạo dựng bài thuyết trình. Phần mềm này có tính năng Zoom to, nhỏ. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng khi bạn muốn dạy về địa lí vùng miền. Giống như người ta dự báo thời tiết, khi thuyết trình đến mỗi mục, hình ảnh sẽ nổi lên, và nó sẽ giúp học sinh thích thú nhưng cũng để ấn tượng cho học sinh sâu sắc hơn bình thường..
4. Dùng phần mềm Violet và các tính năng quen thuộc của Powpoint để tạo trò chơi
Trên phần mềm Violet và Powpoint có thể tạo dựng những trò chơi như trò chơi ô chữ, trò chơi ghép nối, điền tên địa danh và nhiều loại trò chơi các nữa phục vụ cho tiết dạy của bạn.
Việc sử dụng những trò chơi này sẽ giúp cho giờ dạy Địa lí của bạn trở nên sinh động và lôi cuốn hơn rất nhiều. Nếu như Violet yêu cầu bản quyền thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng bản dùng thử của nó. Và với bản dùng thử, thoải mái cho bạn sử dụng trong cả một năm với nhiều trò chơi lí thú
5. Phần mềm Imindmap vẽ bản đồ tư duy
Bản đồ tư duy là một hình thức đưa kiến thức đến cho người học rất có giá trị. Việc sử dụng bản đồ tư duy sẽ giúp ta hệ thống kiến thức giúp người học dễ dàng hình dung ra cấu trúc, nội dung của bài. Nó cũng là cách thức giúp người dạy tiết kiệm nhiều thời gian trong việc hình thành, tổng hợp lại kiến thức cho học sinh. Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học là cách làm mới nhưng đem lại hiệu quả tốt trong thời gian vừa qua. Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng phần mềm Imindmap để vẽ bản đồ, sau đó nhúng vào powpoint.
Với những tiết học Địa lí thì việc sử dụng bản đồ tư duy lại càng thuận tiện khi muốn dạy các đề mục trong từng bài vì kiến thức địa lí vùng miền hay kinh tế ở tiểu học đều bám theo một khung tìm hiểu nhất định. Hơn thế nữa, việc đưa kiến thức dưới dạng bản đồ tư duy sẽ giúp học sinh ghi nhớ nội dung nhanh chóng và sâu sắc.
Mỗi một ứng dụng công nghệ đều có những giá trị riêng của nó. Biết vận dụng đúng lúc, đúng chỗ và phù hợp, bao giờ nó cũng đem lại những hiệu quả tốt cho người sử dụng.