9 nỗi khổ của giáo viên
Có lẽ chưa có thời kì nào mà người đi dạy, nhất là dạy học ở trường phổ thông khổ như khi có chương trình cải cách giáo dục (2003) trở lại đây và việc thực hiện nội dung trường học thân thiện, học sinh tích cực của ngành.
Nhiều giáo viên cho rằng, hiện nay họ không có thời gian để nâng cao kiến thức (ảnh minh họa). Ảnh: H.Triều |
Cái khổ đầu tiên là việc dạy theo chương trình thay sách đòi hỏi người thầy phải có kiến thức không những rộng mà còn phải sâu, không chỉ kiến thức trong chương trình một lớp học mà cả một bậc học, cả một hệ thống nhiều bậc học; không chỉ một môn học mà nhiều môn học…, có thế mới điều khiển việc dạy học theo tinh thần tích cực, tích hợp, chủ động, sáng tạo của học sinh. Nhưng trong khi đó chương trình lại mới hoàn toàn, cách dạy cũng mới mà việc thay sách mới áp dụng chưa quá 13 năm – một thời gian quá ngắn so với cả một lịch sử dạy học của nước nhà nên những người làm thầy chưa thể lĩnh hội hết nội dung, kiến thức của cả một bậc học, của hệ thống nhiều bậc học. Vì vậy rất khó điều khiển việc dạy học thành công được.
Cái khổ thứ hai là việc thay đổi về quan niệm dạy kéo theo việc thay đổi phương pháp giảng dạy cũng làm cho người thầy lúng túng trong quá trình dạy. Trong khi đó các tiết dạy mẫu để cho thầy cô học tập lại không sát thực tế, nặng về hình thức vì đối tượng học là học sinh giỏi được rèn, được dạy đi dạy lại bài học đó nhiều lần. Cái khó nữa là với việc dạy học như hiện nay đòi hỏi giáo viên mỗi giờ lên lớp phải có dụng cụ trực quan sinh động, trong khi đó nhiều trường lại thiếu phòng bộ môn. Phương tiện, đồ dùng dạy học thì thiếu, thiếu từ tranh minh họa đến chiếc đèn chiếu, đến các chất hóa học thí nghiệm, dẫn đến muốn dạy tốt thì giáo viên phải tốn không ít thời gian làm đồ dùng dạy học, tốn tiền của công sức trong khi thời lượng dạy trên lớp không phải ít, nhất là ở bậc tiểu học dạy cả ngày.
Cái khổ thứ ba là việc dạy tự chọn thì cả bộ, và sở cũng không có chương trình dạy nên mỗi trường có cách dạy riêng, dẫn đến giáo viên mỗi người dạy một kiểu; trong khi thực tế học sinh đâu có tự chọn nội dung học cho mình mà do giáo viên chọn nội dung nên lại không đúng với tinh thần dạy học tự chọn. Việc dạy học tự chọn lại không ghi điểm số, không lấy làm cơ sở để đánh giá, xếp loại kết quả học tập của học sinh nên đến giờ học, các em lại đi học cho có, có khi không đi học…, dẫn đến giáo viên dạy khổ vô cùng.
Cái khổ thứ tư là việc làm bảng thống kê điểm mỗi lần 15 phút, 1 tiết trở lên ở mỗi môn học, trong khi đó điểm thống kê này thực sự chẳng đem tác dụng gì cho thầy và trò mà lại tốn thời gian cho người thầy rất nhiều, nhất là các môn học có bài kiểm tra nhiều như môn toán, ngữ văn. Riêng ngữ văn lớp 9 có đến 9 lần thống kê như vậy trong một học kì.
Cái khổ thứ năm là mới thay đổi sách mà đến nay, riêng bậc THCS đã 4 lần chỉnh sửa chương trình. Nhất là mấy năm trở lại đây đã có đến ba lần thay đổi. Việc thay đổi chương trình bài dạy xoành xoạch như chong chóng thế là làm cho người dạy bị động không biết định hướng như thế nào để dạy tốt đây?
Công việc nhiều như thế nên hầu hết giáo viên luôn có mặt trên trường cả ngày, không có thời gian và sức lực đâu mà soạn giáo án, chứ chưa nói đến việc đầu tư đến việc học tập, tìm hiểu thêm để nâng cao kiến thức tay nghề… |
Cái khổ thứ sáu là sự quá tải của chương trình. Hầu hết các môn học đều quá tải, các bài dạy nội dung quá nặng, lại dài chưa vừa với sức học của học sinh nên giáo viên nếu rút ngắn lại thì vi phạm chuyên môn, còn nếu dạy như sách thì khó truyền tải hết kiến thức cho các em. Vì vậy học sinh khó mà nắm vững kiến thức được, dẫn đến kết quả từng bộ môn không tốt, và điều đó chất lượng học tập cũng chẳng mấy khả quan.
Cái khổ thứ bảy là hiện nay ở học đường có sự nổi loạn của học sinh bởi lẽ người thầy không có quyền thực sự nào đối với các em. Vì người thầy không dám nói, la, phạt học sinh. Nếu la, xử phạt, hoặc lỡ tay đánh học sinh dẫu một roi thì vi phạm chủ trương xây dựng “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực” của ngành thì chuốc họa vào thân. Thậm chí, em nào quậy phá, bỏ học phải đến nhà năn nỉ, phải dỗ ngọt mong em đến trường để đạt chỉ tiêu không có học sinh bỏ học của ngành, của địa phương.
Cái khổ thứ tám là cái khổ của việc bị thanh tra, dự giờ. Nhiều người làm thanh tra không hiểu công việc thanh tra của mình là thanh tra bồi dưỡng – nghĩa là qua việc thanh tra định hướng cho giáo viên dạy tốt hơn, hoàn thành công việc tốt hơn mà cứ coi thanh tra là một cái cớ để vạch lá tìm sâu, tìm cho ra cái chưa được của giáo viên để mà phê bình…
Cái khổ thứ chín là ngoài việc dạy chính khóa, giáo viên phải dạy phụ đạo, dạy tự chọn (dạy cái nào phải có giáo án cái đó) rồi phải dạy ngoại khóa, thao giảng, dự giờ. Mỗi năm ở bậc THCS, một giáo viên ít nhất phải 2 lần thao giảng, 18 lần dự giờ (quy định mỗi tháng dự 2 tiết nên 9 tháng là 18). Dạy thay, dạy thế cho đồng nghiệp nghỉ ốm, nghỉ hộ sản, tang tế… Rồi thứ năm tuần nào cũng họp, hết họp hội đồng sư phạm đến họp chuyên môn, họp công đoàn, họp tổ, họp nhóm. Nếu là đoàn viên, đảng viên thì phải thêm họp chi bộ, họp Đoàn. Chưa kể việc sinh hoạt chuyên môn cụm, kiểm tra chéo hồ sơ trong đồng nghiệp. Rồi tổ chức và tham gia các ngày lễ lạt, kỉ niệm, dạy bù lễ, thiên tai, nhất là ở các tỉnh miền Trung có trường dạy bù liên tục các ngày chủ nhật thì có khổ giáo viên không. Phải có đầy đủ hồ sơ giáo án cá nhân, của nhóm, của tổ, cả sổ tự học.
Công việc nhiều như thế nên hầu hết giáo viên luôn có mặt trên trường cả ngày, không có thời gian và sức lực đâu mà soạn giáo án, chứ chưa nói đến việc đầu tư đến việc học tập, tìm hiểu thêm để nâng cao kiến thức tay nghề, làm đồ dùng dạy học, tìm ra cách dạy hiệu quả; đó là chưa nói đến việc dạy giáo án điện tử theo xu hướng dạy học thời @.
Nguyễn Văn Tú (Đà Nẵng)
(Nguồn: www.giaoduc.edu.vn)