Văn hóa ứng xử trong trường học là rất quan trọng
GD&TĐ – Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tại hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử”.
Ngày 16/3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT tổ chức hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử”.
Các ý kiến tại hội thảo đã xác định những đặc điểm chung của văn hóa ứng xử của con người Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện nay. Phân tích thực trạng văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và vai trò của báo chí trong việc lan tỏa những thông điệp để hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử.
Nhiều bài học, kinh nghiệm đã được chia sẻ trong quá trình tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt, phê phán cái xấu trong xã hội; phổ biến, lan tỏa vẻ đẹp của ứng xử văn hóa.
Đề cập đến văn hoá học đường, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, giáo dục phải là một điểm sáng để góp phần xây dựng văn hoá ứng xử, chuẩn mực mới cho lớp trẻ nói riêng và người dân nói chung.
Với vai trò Tổng chủ biên, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới coi trọng dạy người với dạy chữ, rèn luyện, phát triển cả về phẩm chất và năng lực; chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, nhân cách, lối sống.
GS Nguyễn Minh Thuyết |
Tuy nhiên, Bộ quy tắc ứng xử của nhiều trường còn chung chung, chưa có chế tài và đánh giá thường xuyên, vấn đề bạo lực học đường vẫn xảy ra… Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025″ và được Chính phủ ban hành vào ngày 3/10/2018.
Đề án đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức trong trường học về xây dựng văn hóa ứng xử; Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử; Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử; Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử; Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử.
Trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể trong thực hiện nếp sống, thói quen văn minh, lịch sự đối với các chủ thể trong trường học, như: văn hóa xếp hàng nơi công cộng, triển khai nguyên tắc tự giáo dục (tự phục vụ) trong các hoạt động liên quan (thư viện, căng tin, trực nhật…).
Đáng chú ý, việc đưa ra những quy định, giáo dục học sinh, sinh viên việc sử dụng mạng xã hội được đề ra tại Đề án lần này. Theo đó, từ chính thực tiễn cuộc sống, Đề án yêu cầu tăng cường giáo dục, định hướng để học sinh, sinh viên sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin mạng xã hội trong học tập, rèn luyện, hướng nghiệp, khởi nghiệp, giải trí lành mạnh; thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng.
Xây dựng chuyên đề, tài liệu, giáo dục tổ chức các hoạt động về giáo dục văn hóa ứng xử trong chương trình đào tạo giáo viên trong các cơ sở đào tạo sư phạm để xây dựng đội ngũ nhà giáo gương mẫu, có lòng tự trọng, nhân cách và lối sống văn hóa.