Chủ điểm tháng 11: “Tôn sư trọng đạo”, nghĩ về nhà giáo

Nghề giáo là một nghề đặc biệt, “cây trồng” của họ là con người, “sản phẩm” của họ là “tri thức, nhân cách” còn ẩn giấu của học trò…

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ đôi điều về nghề giáo trong bài viết sau đây:

Nghề giáo là một nghề đặc biệt, “cây trồng” của họ là con người, “sản phẩm” của họ là “tri thức, nhân cách” còn ẩn giấu của học trò, chưa thể ngày một ngày hai nhìn thấy được.

Phương pháp lao động của người thầy là phương pháp “nêu gương tự thân”, dạy học trò bằng hành vi, kiến thức, tình cảm của mình.  Công cụ lao động của nghề giáo, là hành vi, tâm hồn, tình cảm, tư tưởng và thể chất của giáo viên; là toàn bộ nhân cách của người thầy.

Trước đây, giáo viên gần như là “nguồn tri thức” duy nhất của học trò. Thầy nào, trò nấy, từ nét chữ, tính cách, tư tưởng…

Vì vậy, nghề giáo “đã từng được” coi là nghề cao quý nhất, trong những nghề cao quý!

Thế nhưng trong “thế giới phẳng” hôm nay, nghề giáo có còn là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý?

Nghề giáo có còn là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý? Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn

Nghề nào cũng vậy, cũng tùy thuộc vào năng lực của người lao động; nghề giáo cũng vậy, tùy thuộc vào năng lực của mỗi giáo viên mà hiệu quả công việc khác nhau, có người dạy tốt và ngược lại, có người dạy chưa tốt hay không tốt.

Ngành giáo dục đang hàng ngày chứng kiến những hành vi của giáo viên vi phạm luật pháp, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; trong thế giới phẳng này,  không thể “xấu che, tốt khoe” được nữa.

Mọi hành vi đều được “công khai hóa” dưới hình thức này, hay hình thức khác, vì thế cái xấu, cái ác trong nghề giáo phơi bày, bộc lộ; làm mất niềm tin của cả người dạy và người học.

Khái niệm cao quý của nghề giáo, bị nhiều người “bôi nhọ”, thành “cáo quỷ”.

Thế nhưng, những vi phạm đạo đức nhà giáo chỉ là vết nhơ nhỏ trên bức tranh giáo dục nước nhà.Họ nhân danh nghề giáo “lạm thu”, bòn rút công sức của người dân; họ dùng trăm, phương ngàn kế để ép buộc học trò học thêm; họ dùng mọi thủ đoạn để tăng gánh nặng cho cộng đồng, thu lợi bất chính cho chính mình…

Phần lớn các thầy cô giáo đang cống hiến tuổi thanh xuân của mình, thắp sáng tâm hồn các học sinh mình dạy, bằng chính hy sinh vượt qua nghịch cảnh, thu nhập còn eo hẹp, cuộc sống còn khó khăn; biết bao nhà giáo đang âm thầm ‘cõng chữ lên non”, gieo mầm nhân ái cho học trò.

Trả lại sự cao quý cho nghề giáo, chính là trao cho đất nước một nền giáo dục tốt; có vậy đất nước mới phát triển bền vững, tương lai dân tộc mới rạng rỡ.

Để làm được điều đó, các cấp phải thực hiện đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo lương cho nghề giáo đủ sống, đối xử công bằng với giáo dục.

Kiên quyết loại bỏ ra khỏi đội ngũ nhà giáo, những hiệu trưởng lạm thu, cán bộ lạm quyền, giáo viên không có tâm huyết với nghề, chọn sai nghề giáo.

Ngày nay, học trò có thể tiếp thu tri thức bất cứ đâu, bất kể thời gian nào, nguồn tri thức gần như vô tận; thế nhưng “không thầy đố mày làm nên”, vẫn là câu đố không có lời giải với mọi người.

Vai trò nghề giáo, trong phát triển của cộng đồng, đất nước khó có thể đảo ngược được.

Nghề nghiệp giúp con người kiếm sống, nuôi bản thân và gia đình, góp phần xây dựng xã hội phát triển.

Chọn nghề giáo, chọn hy sinh, phụng sự người khác; mỗi giáo viên sẽ vượt qua khó khăn; thấy thành công, trưởng thành của học trò là hạnh phúc của mình, là đích đến của mình.

Vào nghề với động cơ đó, không khó cho mỗi nhà giáo trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Sơn Quang Huyến
(Nguồn:  Giaoduc.net.vn)