Dự thảo Luật Giáo dục: Nâng trình độ chuẩn giáo viên
Chiều nay – 8.11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục. Sau đó các đại biểu Quốc hội cũng sẽ thảo luận ở tổ về dự án luật này.
Dự kiến tại kỳ họp thứ 7 (giữa 2019), Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Sau thời gian lấy ý kiến rộng rãi, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào chiều nay có nhiều điểm mới đáng chú ý.
Thêm đối tượng được miễn học phí
Theo quy định hiện hành thì chỉ học sinh tiểu học trường công lập được thụ hưởng chính sách miễn học phí. Còn trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, ngoài học sinh tiểu học thì trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh cấp THCS sẽ được miễn học phí, không phân biệt học trường công hay trường tư thục.
Về thời gian bắt đầu thực hiện chính sách nhân văn này, Luật Giáo dục sửa đổi nêu rõ: Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS trường tư thục trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước.
Trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Dự kiến năm 2019, Quốc hội thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, sau đó Chính phủ sẽ có quy định về lộ trình thực hiện chính sách miễn học phí này.
Mục tiêu giáo dục chú trọng phát huy tiềm năng của mỗi cá nhân
Mục tiêu giáo dục được quy định tại Điều 2, Luật Giáo dục năm 2005, chú trọng việc đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Còn trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, mục tiêu giáo dục có thêm yêu cầu “phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”. Sau này, mỗi cá nhân sẽ được khuyến khích phát triển theo khả năng, tài năng riêng của mình.
Sẽ có nhiều bộ SGK sử dụng trong trường học
Theo quy định hiện hành, NXB Giáo dục là đơn vị duy nhất được giao xuất bản sách giáo khoa (SGK). Trong trường học cũng chỉ có bộ SGK duy nhất.
Còn tại Điều 30 của Dự án Luật Giáo dục sửa đổi quy định: Mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK.
Việc cho phép có nhiều bộ SGK được sử dụng trong trường học được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ giúp phá bỏ việc độc quyền SGK.
Bỏ miễn học phí với sinh viên sư phạm
Khoảng 20 năm qua, sinh viên sư phạm được hưởng chính sách miễn học phí. Việc này nhằm thu hút người giỏi đầu quân cho ngành sư phạm.
Tuy nhiên, theo Bộ GDĐT, chính sách này đã không còn phù hợp. Hiện nay, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục.
Từ đó, Bộ GDĐT kiến nghị bỏ chính sách miễn học phí thay bằng việc cho vay tín dụng đối với sinh viên sư phạm (Điều 83 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi).
Ngoài tiền học phí được vay, mỗi sinh viên sư phạm sẽ được vay tối đa 3,5 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ 5 năm thì sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm này.
Trường hợp sinh viên sư phạm không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm, nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ được hưởng khoản tín dụng sư phạm mà học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng.
Nâng chuẩn giáo viên
Trình độ chuẩn với giáo viên mầm non, tiểu học trước quy định là bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, nhưng sau khi Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua và có hiệu lực, chuẩn giáo viên sẽ được nâng lên.
Cụ thể, giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm. Giáo viên tiểu học, THCS phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm. Giảng viên của các trường đại học phải có bằng thạc sĩ trở lên.
ĐẶNG CHUNG
(Nguồn: laodong.vn)